5 giờ 30 sáng nào cũng vậy, khi đài phát thanh An Lão phát đi bản tin đầu tiên, cô giáo Tạ Thị Thắm trường Tiểu học Quốc Tuấn- An Lão- Hải Phòng đã thức dậy. Dù là mùa hè nắng gắt hay mùa đông rét cắt da cắt thịt thì thời gian biểu ấy vẫn không hề thay đổi. Bởi cô có rất nhiều việc cần phải làm trong khoảng thời gian từ đấy đến lúc 6 giờ 30: Chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, gọi con gái nhỏ dậy đi học, giúp chồng làm vệ sinh cá nhân rồi cho anh ăn sáng. Anh không thể tự ngồi dậy, cầm thìa xúc ăn cũng khó khăn nên thời gian buổi sáng cô dành cho anh bao giờ cũng nhiều hơn cả. Xong xuôi mọi việc nhà rồi, cô giáo Thắm mới yên tâm đến trường dạy học.
Từ ngày con gái lớn Mai Phương đỗ vào trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương khoa thiết kế đồ họa rồi đi học xa nhà, cô giáo Thắm phải làm nhiều việc hơn. Nhà neo người, bà nội đã già, con gái cũng muốn học ở Hải Phòng để đỡ đần mẹ việc nhà và phụ giúp chăm sóc bố.Song cô luôn biết khát khao sâu thẳm của con gái là được học ở ngôi trường lớn có khoa thiết kế đồ họa để rồi sau này làm tiếp công việc bố đang làm trước khi ngã bệnh. Bởi vậy cô động viên con học trên Hà Nội dẫu biết rằng như thế mình vất vả thêm. Trong nhà cô giáo Thắm vẫn còn rất nhiều những sản phẩm mang nét vẽ, nét thiết kế tài hoa , bay bướm của anh Phong chồng cô; tất cả đều dang dở. Căn bệnh chảy máu não vùng thái dương phải khiến anh liệt hẳn một nửa người bên trái cách đây đã gần chục năm. Rồi lại thêm bệnh hở van tim hai lá, suy thận mãn khiến người đàn ông trai tráng trụ cột gia đình ngày nào, giờ đây đã trở thành gánh nặng cho vợ con. Khoản trợ cấp bệnh tật do Nhà nước phát hàng tháng không đủ để mua thuốc cho chồng, hai đứa con ăn học tốn kém mà chỉ có đồng lương giáo viên Tiểu học, cô Thắm co kéo khéo lắm mới đủ chi tiêu trong gia đình. Gánh nặng gia đình là thế nhưng anh Phong chẳng bao giờ thấy vợ kêu ca nửa lời. Cứ vãn việc trường, việc nhà là cô giáo Thắm lại động viên chồng tập đi bằng cách dìu nách để anh bám vào hai hàng tay vịn đóng bằng hai cây tre trước hiên nhà. Chỉ 1, 2 bước mỗi ngày đầu, nâng dần lên 2, 3 rồi 4, 5 bước những ngày sau. Vậy mà đối với người đàn ông ấy, quãng đường tập đi những bước chập chững gian nan, dài dặc bằng cả một kiếp người. Vốn không hay nói từ ngày còn thanh niên nhưng giờ đây khi phải nằm một chỗ, gặp ai đến thăm, anh Phong cũng tỉ mỉ hỏi han chuyện làng- chuyện xóm. Rồi chẳng hiểu sao câu chuyện của anh luôn được quay về người vợ của mình. Anh bảo: “ Tôi giống như được tái sinh lần thứ hai nhờ Thắm. Nếu không có cô ấy chăm bẵm về thể chất và vực lên xốc lại tinh thần thì chắc đã không còn có được tôi của ngày hôm nay!”
Vất vả với việc nhà thế, vậy mà với việc trường, lúc nào cô giáo Thắm cũng chu toàn. 23 năm theo nghề giáo là 23 năm cô cống hiến hết mình cho công việc. Nhiều năm liền, cô giáo Thắm đạt danh hiệu “ Giáo viên dạy giỏi”, “ Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Ở trường, ngoài công việc chủ nhiệm và giảng dạy, cô Thắm còn được giao nhiệm vụ là Tổ trường tổ chuyên môn tổ 2-3, khối trưởng khối 2, thành viên Ban chấp hành Công đoàn, thành viên Ban Thanh tra Nhân dân. Ở nhiệm vụ nào, cô Thắm cũng hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình.

Dù chủ nhiệm lớp 1, 2,3 hay 4,5; năm học nào cô cũng được phụ huynh vô cùng tín nhiệm. Học sinh thì khỏi nói, các em coi cô như người mẹ hiền thứ hai bởi cô Thắm tuy nghiêm khắc nhưng luôn chỉn chu, rèn giũa, uốn nắn các em từng ly từng tí. Với phụ huynh và học sinh, cô được yêu quý như vậy còn khi ở cương vị Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ 2-3, cô Thắm rất được đồng nghiệp tin yêu. Đây là tổ có nhiều giáo viên trẻ mới ra trường, với cương vị tổ trưởng, cô Thắm đã bỏ không ít thời gian và công sức để giúp đỡ các đồng nghiệp mới. Thành viên tổ 2-3 coi cô Thắm như người chị hiền, luôn sẵn lòng dìu dắt những đứa em non nớt. Chỉ cần ở tổ ấy trong 1-2 năm đầu, thời gian sau đó các cô giáo đã tự tin nhận nhiệm vụ ở các lớp học sinh lớn hơn như 4-5 hoặc sẵn sàng thử sức mình ở lớp 1 là lớp có lứa học sinh bé nhất trường, cần những giáo viên giàu kinh nghiệm đứng lớp.
Tôi dạy cùng trường với cô giáo Thắm đã hơn 20 năm, là người biết rõ cô kể từ khi bắt đầu về trường dạy học. Vườn nhà ngoại cô có cây thị già xum xuê, cuối thu nào cô cũng mang đến trường cho mọi người bao nhiêu là thị chín thơm nức mũi. Món quà thơm thảo ấy khiến ai cũng vui. Chẳng còn ở lứa tuổi nghe kể chuyện cổ tích nữa nhưng tôi luôn chọn lấy một quả thị tròn và thật xinh để trong phòng; lòng bỗng cảm thấy nôn nao lúc đóng cửa đi ra ngoài, dẫu biết rằng sẽ không bao giờ có cô Tấm nào hiện ra làm giúp mình hết việc nhà, việc cửa. Nhưng có một điều tôi cũng như ai đã từng biết cô giáo Ta Thị Thắm đều tin chắc rằng cô chính là cô Tấm của gia đình. Không chỉ thế, cô còn là cô Tấm của trường Tiểu học Quốc Tuấn- An Lão- Hải Phòng. Bước ra từ quả thị, cô mang đến cho gia đình mình, cho ngôi trường mình đang dạy học bao việc làm tốt, giúp cái đẹp được nhân lên- nở hoa- kết trái. Kết bài viết nhỏ này, tôi xin được mượn lời anh Phong- chồng cô giáo Thắm, cũng như những em học sinh Trường Tiểu học Quốc Tuấn để được gọi cô Thắm là “ Cô Tấm của nhà mình, cô Tấm của trường mình”./